top of page

Từ làng nhỏ ra thế giới: Theo dòng chảy bền vững của lụa Việt

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Dec 25, 2019
  • 4 min read

Updated: Mar 25, 2020

Nặng lòng với con tơ, sợi chỉ, chị Lương Thị Hạnh tạm gác công việc với thu nhập ổn định tìm về làng dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) với khao khát khôi phục làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm, nay có nguy cơ thất truyền.

Lụa tơ tằm - chất liệu tưởng như thường xuyên được ứng dụng trong thời trang hiện đại bởi “mùa đông mặc ấm, mùa hè mặc mát, nhẹ và thấm mồ hôi” thế nhưng đã nhiều lần có nguy cơ mai một.


Khi được hỏi về lý do chọn làng dệt Nam Cao, chị Hạnh chỉ cười “đó là cái duyên”. Chị không thể quên những ngày đầu tiên khi làng nghề gần như hoàn toàn mai một, chỉ còn một số ít những người lớn tuổi trụ lại với nghề, thế hệ trẻ, người bỏ xứ mà đi, người dứt lòng tìm kế sinh nhai mới. Vậy nên những người dân ở đây đều cho rằng khôi phục làng nghề là chuyện bất khả thi. Chị chia sẻ: “Khi chúng tôi về đề đạt với bà con, mọi người cho đó là chuyện viển vông, hoang tưởng bởi thời điểm đó lụa tơ tằm đang “chạm đáy”. Người dân nghĩ mình “nói suông” hay chỉ theo một dự án, đến một thời gian lại đi”.


Bạn bè nhiều người khuyên chị từ bỏ, nhiều người nghĩ chị “lội ngược dòng”, sớm muộn cũng thất bại. Thế nhưng chị biết, nếu không gây dựng lại ngay lúc ấy, chẳng mấy chốc làng sẽ bị “xóa sổ”, đau đớn hơn là lụi tàn không còn lại gì. Chưa bao giờ dứt lòng với lụa, chị từng bước thuyết phục bà con đồng hành và giúp đỡ mình sản xuất và phát triển thương hiệu Hanhsilk.




Biết lụa quan trọng nhất là xuất xứ, chị Hạnh cùng bà con xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi tằm, tạo kén đến kéo sợi, dệt sợi để có thể hoàn toàn kiểm soát quy trình tạo ra những mảnh lụa đạt chất lượng. Các công đoạn sản xuất được thực hiện thủ công, ít máy móc, hầu như không tiêu tốn điện bởi chủ yếu sử dụng khung cửi truyền thống. Bên cạnh đó, họa tiết trên khăn, trên áo đều được vẽ bằng tay với màu sắc tự nhiên từ kén tằm, cây củ nâu, lá chàm, lá bàng hay quả gấc... tùy theo mùa. Nhờ vậy, nước thải sau quá trình nhuộm không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Sản phẩm sau thời gian dài sử dụng có thể chôn vào đất, tơ tằm tự nhiên chứa protein dễ dàng phân hủy và trở thành phân bón hữu cơ.


Chị Lương Thị Hạnh và tham vọng đưa lụa Việt Nam lên bản đồ thế giới. Thực hiện: Linh Trang - Thu Hương


Lý thuyết là vậy, khi bắt tay vào thực hành mới thấy khó khăn đầy rẫy. Những ngày đầu, lòng tự hào nghề nghiệp khiến nghệ nhân cương quyết làm theo lối “ngàn năm truyền thống”, kém nhạy bén với thị trường nên những sản phẩm ban đầu hầu như không bán được, đơn hàng bị chậm, tiền đọng rất nhiều. Cùng với đó, chuỗi sản xuất khép kín từ nguồn nguyên liệu đến đầu ra cần rất nhiều vốn khiến việc gây dựng Hanhsilk gặp nhiều trở ngại.


Không chỉ khâu sản xuất, việc tìm thị trường cho lụa cũng gặp không ít khó khăn. Chị Hạnh chia sẻ: “Sáu năm trước, lụa Việt Nam mất đi chỗ đứng, người tiêu dùng không mặn mà với tơ tằm tự nhiên bởi gia công lâu mà sản lượng lại thấp, giá thành cao, khi sử dụng cần phải giặt tay và giữ gìn cẩn thận. Trong khi đó lụa Trung Quốc có độ bóng, độ mịn và họa tiết được in bằng máy đa dạng mẫu mã và giá thành “mềm” hơn. Vì thế, lụa tơ tằm của Hanhsilk chìm trong biển lụa công nghiệp”. Chị Hạnh phải đến từng hội chợ chào bán sản phẩm, tuy nhiên khách hàng vẫn không mấy “mặn mà” hoặc có chăng mua như “một món đồ làm vui”.


Chị luôn động viên bản thân và nghệ nhân rằng: “Muốn mang tơ lụa tự nhiên Việt Nam ra thế giới, con đường này không thể nhanh chóng, nếu không muốn nói là dò dẫm từng bước, chúng tôi tin rằng cần thời gian để hình thành một “cái gốc” vững vàng”. May mắn thay, cuối năm 2017 đầu năm 2018, thị trường bắt đầu rộ lên giá trị “tự nhiên”, “thân thiện với môi trường”. Từ đó khách hàng của Hanhsilk tăng đột biến, nhờ vậy chị Hạnh có nguồn tài chính để hoàn thiện từ giống cây trồng, giống tằm đến mẫu mã, thiết kế.



Sau nhiều mồ hôi và nước mắt, Hanhsilk trở thành thương hiệu lụa tơ tằm đầu tiên tại Việt Nam đi theo chuỗi giá trị bền vững. Không chỉ gìn giữ và đem văn hóa Việt ra thế giới, Hanhsilk còn tạo kế sinh nhai cho người dân làng dệt Nam Cao. Được tham gia sản xuất và chạm tay vào những sản phẩm cuối cùng, nghệ nhân thêm ý thức về trách nhiệm với làng nghề của mình. Lụa tự nhiên nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng cũng tiếp thêm niềm tin vào việc khôi phục và gìn giữ làng nghề cổ truyền.


Trong những năm tới đây, Hanhsilk sẽ tiếp tục tạo ra những sản phẩm đảm bảo 100% lụa tự nhiên Việt Nam để phục vụ những khách hàng yêu lụa Việt và muốn bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe. Cùng với mong muốn mang lụa Việt ra thế giới, chị Hạnh hy vọng chất liệu tơ tằm được đưa vào các trường đại học bởi thật đáng tiếc nếu như những nhà thiết kế trẻ xa rời chất liệu truyền thống của dân tộc.


Thực hiện: Linh Trang - Hoài Linh - Thu Hương


Comentários


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page