top of page

Người trẻ và “nghệ thuật” nhuộm chàm: Cốt lõi của thời trang bền vững

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 9, 2020
  • 8 min read

Updated: Mar 25, 2020

Đây là Hương, mình là Giang. Đu Đủ do Hương là người đầu tiên sáng lập, thời gian đầu Đu Đủ nhuộm thực vật, sau đó chỉ tập trung làm về màu chàm.


Chúng tôi gặp “Đu Đủ” - một nhóm gồm hai bạn trẻ, Ngô Thu Hương và Trương Minh Giang trong không gian nhỏ, yên tĩnh với vải vóc. Đôi bàn tay xanh ám màu chàm của Giang, ánh mắt sáng điềm đạm của Hương là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Đu Đủ.


Thu Hương và Minh Giang là hai trong số những người trẻ tiên phong thực hành nhuộm chàm trên quần áo, khởi đầu cho làn sóng “nhuộm thực vật” ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng thực hành thời trang bền vững.


Nhưng, tại sao lại là màu chàm?


Có rất nhiều màu, nhiều nguyên liệu để chọn nhưng chúng mình lại chỉ chọn màu chàm vì những lý do đặc biệt. Trở lại thời gian đầu Hương nhuộm và tiếp xúc với nhuộm, những nguyên liệu phổ biến nhất thường có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật, côn trùng và chúng mình đã lựa chọn nhuộm thực vật để theo đuổi. Nhuộm thực vật được chia làm hai phương pháp chính: nhuộm lạnh và nhuộm nóng.


Nhuộm “nóng” là một phương pháp nhuộm, trong đó, người nhuộm chặt một bộ phận từ cây như: vỏ, thân,...Tiếp theo, bộ phận đó sẽ được đốt lên, chiết tách lấy màu; màu sau đó được đun lên để nhuộm. Trong quá trình chế biến, một số chất kết dính cũng được sử dụng nên chất thải từ phương pháp này khá khó xử lý. Phần lớn các màu sắc tươi sáng như đỏ, vàng đều được tạo thành từ phương pháp nhuộm này và được người tiêu dùng ưa chuộng.


Tuy nhiên, nhuộm nóng cũng ẩn chứa những vấn đề “nóng” không kém. Trước tiên, nguyên liệu nhuộm đều được lấy từ những phần lâu năm của cây như rễ, thân, vỏ. Khi quá trình nhuộm hoàn thành, phần lớn người nhuộm không có nhu cầu và ý thức trồng lại những phần này. Những phần cốt lõi nhất của một cây bị chặt hạ chỉ để phục vụ những nhu cầu ngoại thân, hình thức. Nghịch lý hơn, phần lớn nguyên liệu được thu thập không để phục vụ người dân địa phương mà được cung cấp cho những bên sản xuất “sản phẩm tự nhiên”.


Sau đó, chúng mình có cơ hội gặp gỡ mẹ Hương - một người Mông sống tại Sa Pa và chính thức làm quen với chàm. Ban đầu, chúng mình đơn giản là thích màu chàm bởi nó đẹp, chỉ với một số kỹ thuật sẽ tạo ra rất nhiều tông xanh chàm khác nhau. Càng về lâu dài, chúng mình càng nhận ra màu chàm có nhiều điều đặc biệt hơn thế.


Một nhận định phổ biến là tính “tự nhiên” được quyết định bởi nguyên vật liệu, thực ra, điều đó còn nằm trong quá trình sản xuất.

Trong hệ màu nhuộm tự nhiên, chàm khác biệt tất cả từ màu sắc đến quá trình. Chỉ với một màu chàm có thể cho ra rất nhiều sắc xanh từ nhạt đến đậm, nghĩa là khả năng biến đổi của chàm tốt hơn các màu khác với một số đặc điểm nổi trội như chống màu, bền sáng, bền nước, khử mùi, mát trên da,...Để nhuộm chàm, người nhuộm cần chia làm nhiều lần: nhuộm, phơi gần khô, tiếp tục nhuộm để tạo thành nhiều lớp màu chồng lên nhau. Khi phai, tấm vải nhuộm chàm chỉ nhạt đi một lớp nhưng vẫn giữ được sắc tươi. Đồ chàm vì thế có thể bền màu lên đến hàng chục năm, được nhiều người yêu thích.


Quá trình nhuộm chàm thường được gọi là “vát đai” hay nhuộm hoàn nguyên, gọi nhuộm chàm là nhuộm “lạnh” vì chàm không cần đun nấu, hoặc có nhưng rất ít. Các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mông, người Thái thường sử dụng phương pháp nhuộm chàm không qua đun nấu.


Cây chàm Việt Nam và một số nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia,...chia thành một vài giống, trong đó, 3 giống có khá nhiều điểm tương đồng. Hầu hết chúng là cây ngắn ngày và thường mọc ở phía dưới cây khác. Vì vậy, chàm Việt có thể dễ dàng được canh tác ở một hệ sinh thái bền vững, không phải chặt cây trồng chàm chỉ để lấy phần lá.


Hơn hết, chàm vẫn đang được các cộng đồng dân tộc Việt Nam sử dụng nên chúng mình không cần duy trì nguồn nguyên liệu chỉ để phục vụ nhu cầu ‘trở về tự nhiên’ của một số cá nhân.




Chúng mình xây dựng Đu Đủ bắt đầu từ sở thích nhưng khi làm về chàm khoảng một năm, chúng mình muốn theo đuổi và xác định đây là nghề nghiệp nên ý thức nghiêm túc hơn, tìm hiểu sâu hơn.


Lần đầu biết đến “nhuộm thực vật” qua báo chí, Hương và Giang nghiên cứu, tìm tòi thông tin trên các trang mạng xã hội và bắt đầu thử nghiệm với những màu sắc quanh mình như bắp cải, nghệ,...Mọi người thường thử nghiệm những màu dễ nhất quanh mình và nhanh chóng nhận ra chúng không bền sáng hay bền màu, Đu Đủ không ngoại lệ. Sau rất nhiều công phu, Giang và Hương nhận thấy một số màu chỉ phù hợp để làm...thực phẩm.


Chúng mình đã thử nghiệm trong một thời gian dài, không ai chỉ bảo nên cứ thử và sai với những màu trên mạng hướng dẫn như màu cẩm, màu cải. Đến màu chàm, chúng mình hoàn toàn học từ những người đi trước và tìm đọc thêm tài liệu.”


Với Đu Đủ, hành trình làm chàm chứa đầy niềm vui nhưng cũng đi cùng không ít trăn trở. Thực hiện: Linh Trang - Thu Hương


Bắt đầu từ con số 0, hành trình Đu Đủ chinh phục “nghệ thuật” nhuộm chàm không hề dễ dàng.


Vấn đề khá lớn của chúng mình là không có thầy dạy, chủ yếu trao đổi giao lưu với những người làm nghề khác thông qua mạng xã hội. Vừa học vừa làm rất chật vật, rủi ro vì có những điều mâu thuẫn. Trên thực tế, khi chúng mình làm, có nhiều đồ bị lỗi nhưng mắt của khách hàng lại thấy đẹp. Một tấm vải nhuộm kém, loang không đều thành ra họa tiết lạ mắt. Biết vậy nhưng đạo đức người làm nghề không cho phép chúng mình bán những sản phẩm như thế.”


Ở Việt Nam, phần lớn người nhuộm chàm dạy theo kinh nghiệm thay vì những kiến thức hóa học cốt lõi của quá trình nhuộm. Đây là một bất lợi vì khi thiếu nền tảng kiến thức cơ bản, rất khó để người nhuộm rút kinh nghiệm từ những sai sót.


Một trong những “cái khó” khác của người làm chàm Việt là khan hiếm nguồn nguyên liệu. Để đúng nghĩa “thời trang bền vững”, quy trình sản xuất phải là một vòng tròn khép kín và thường có sự tham gia kết hợp của những bên khác. Như vải vóc, để sản xuất quần áo hiện đại bằng vải nhuộm chàm, khổ vải cần to nhưng là dệt tay nên người sản xuất cần tìm về vùng người dân đã có kỹ thuật dệt.


“Trên nền dệt công nghiệp, khổ vải muốn to bao nhiêu cũng được, còn dệt tay phải phụ thuộc vào khung cửi và khổ to nhất cũng chỉ tương đương với sải tay của người phụ nữ vì người ta sử dụng con thoi đẩy từ bên này sang bên kia và ngược lại.


Khó khăn nối tiếp khó khăn khi không chỉ vải, kích cỡ của thùng nhuộm chàm cũng trở thành một vấn đề. Với khổ vải lớn, khi nhúng vải xuống thùng chàm nhỏ, ít không gian để trải vải thì chất lượng vải nhuộm sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, khổ vải to hơn sẽ cần những thùng chàm lớn hơn.


Đó là cả một quy trình nên hiện giờ bọn mình chỉ chọn ra một vài trong số đó để tập trung phát triển. Cố gắng làm sâu và hiểu rõ, chúng mình cần đi từng bước một, nếu ôm đồm hết thì không làm sâu được.


Thế còn những thay đổi mà Đu Đủ đã tạo ra?


Càng làm, chúng mình càng nhận thấy vấn đề trở nên khiêm nhường. Cũng như những người khác, Đu Đủ và cộng đồng xung quanh có sự đánh đổi nhất định. Chúng mình hiểu sẽ có những thiệt hại song hành, tuy nhiên, cần lựa chọn và trung thành với giải pháp tối ưu nhất. Ví như một ngày nọ, khoảng 4-5 triệu dân mặc đồ chàm và thay mới liên tục như quần áo thường nhật thì điều này cũng không hề thân thiện với môi trường.

Có thể nói, thay đổi lớn nhất đối với cộng đồng của Đu Đủ là sự hiểu biết và cái nhìn sâu sát hơn về chàm nói riêng và thời trang bền vững nói chung. Tự nhiên không luôn luôn tốt hơn công nghiệp khi bài toán bền vững còn phụ thuộc vào cách thức, quy mô và quy trình xử lý. Nếu sự “bền vững” chỉ thuộc về trách nhiệm của bên sản xuất, trong khi đó, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua sắm hàng loạt thì nỗ lực bền vững cũng không mang lại nhiều giá trị.


Một câu chuyện hơi ‘kỳ cục’ là hôm nọ có khách hỏi mua đồ của Đu Đủ, sau khi tư vấn rất nhiều và kỹ, chúng mình thuyết phục anh hãy dùng cái áo thật lâu chứ đừng mua mới. Nghịch lý là người bán hàng lại khuyên khách hàng đừng mua nữa.




Thời trang bền vững không chỉ nằm ở việc nhuộm chàm, mà còn liên quan đến mở rộng vùng trồng bông, vùng trồng nguyên liệu, se sợi, dệt vải, sau đó đến kỹ thuật nhuộm, thiết kế và cắt may.


Giá thành của sản phẩm thời trang bền vững cũng cao hơn thời trang nhanh. Sản phẩm nhuộm thiết kế hiện đại thường có giá 1-2 triệu trở lên trên mỗi sản phẩm và không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng “rút ví”. Hệ quả là khi giá thành cao hơn, người tiêu dùng sẽ lựa chọn kỹ càng và sử dụng cẩn thận hơn.

Thời trang bền vững phụ thuộc vào hai phía: người sản xuất và người tiêu dùng. Dẫu ‘khép kín’ đến đâu, khi sản phẩm vào tay người tiêu dùng không trách nhiệm thì điều đó chưa là bền vững. Mắt xích cuối cùng của tính bền vững nằm trong tay người tiêu dùng.”


Cuối cùng, Đu Đủ muốn gửi đôi lời đến những cá nhân thực hành thời trang bền vững.


Nên đọc càng nhiều càng tốt và trải nghiệm để thử và sai. Đu Đủ có thể chia sẻ những kinh nghiệm và hy vọng các bạn sẽ tiếp thu một cách chọn lọc nhưng khi chưa thực hành, những bài học vẫn mãi là bài học của người khác.


Chút do dự khi quyết định, chút đắn đo khi đặt mua, chút ngập ngừng khi vứt bỏ,...nền móng của thời trang bền vững Việt sẽ được xây đắp chỉ từ những điều “một chút”, mỗi ngày.


Thực hiện: Linh Trang - Hoài Linh - Thu Hương

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page