top of page

Tơ tằm của thời trang “xanh” đang dần mất vị thế

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 12, 2020
  • 3 min read

Updated: Mar 23, 2020

Ít ai để ý chúng ta đang hủy hoại môi trường sống bởi chính quy trình sản xuất ra những vật liệu may mặc hàng ngày như cotton, polyester,...


Làng ươm tơ cổ trước nguy cơ mai một


Xu hướng sử dụng các sản phẩm sẵn có từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường đang dần được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Thế nhưng Vọng Nguyệt – một làng ươm tơ cổ tại Bắc Ninh lại đang đứng trước nguy cơ dần mai một.

Người xe tơ miệt mài bên guồng quay. Ảnh: Thu Trà


Theo những người cao tuổi trong làng, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây đã tồn tại rất lâu và truyền từ đời này sang đời khác. Làng nghề ươm tơ Vọng Nguyệt được người dân khắp nơi biết đến bởi sợi tơ thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, bền đẹp.


Ông Ngô Vy Hành, 54 tuổi, được gia đình truyền lại nghề ươm tơ, đến nay là người đang phát triển nghề ươm tơ truyền thống, chia sẻ: “Kỹ thuật ươm tơ chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa tơ của làng Vọng Nguyệt với sản phẩm tơ những nơi khác. Khi có kén tằm, phải phân loại rất nhanh, bảo đảm loại bỏ sạch chất bẩn trên kén, chọn ra những kén đủ tiêu chuẩn trước khi ngài cắn kén chui ra làm hỏng tơ, không kéo được sợi.


Vụ ươm tơ bắt đầu từ tháng ba đến tháng mười âm lịch hàng năm. Do nguồn cung cấp kén chính không còn nên người dân phải thu mua kén từ những nơi khác. Kén được cho vào nước nóng để dễ dàng tách và kéo thành sợi cuộn vào các guồng. Trước kia, người trong làng hoàn toàn ươm tơ bằng tay, phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ nhưng nay có máy móc hỗ trợ, một guồng tơ chỉ mất 1 tiếng ươm”.

Công đoạn ươm tơ được làm thủ công. Ảnh: Thu Trà


Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 về tổng lượng sản xuất lụa tơ tằm trên thế giới, với bề dày hàng nghìn năm truyền thống ươm tơ dệt lụa, tạo nên tơ lụa có bề mặt mềm mại, tinh tế, chất lượng tốt, thẩm mỹ cao. Tuy nhiên gần đây, tại thị trường nội địa, vì nhiều lý do khác nhau, chất liệu truyền thống này ngày càng bị mai một và lãng quên, sức tiêu thụ và thu nhập từ vải lụa tơ tằm thấp khiến nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề dệt nhuộm để kiếm kế mưu sinh.


Ông Ngô Văn Quây, trưởng thôn Vọng Nguyệt cho biết: “Trước đây thôn có 300 hộ dân, cả thôn đều làm nghề ươm tơ, nhưng từ năm 2008 trở lại đây, nhiều người bỏ nghề đi làm công việc khác. Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải thu mua từ Yên Bái, Lâm Đồng…Chi phí tăng lên trong quá trình vận chuyển, kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ, trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề.”

Làng Tơ tằm Vọng Nguyệt. Ảnh: Thu Trà


Từ thời trang “nhanh” đến thời trang “xanh”


Với tình trạng Trái Đất đang ngày càng nóng lên ở thời điểm hiện tại, việc bảo vệ môi trường được xem là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất. Nhiều cá nhân cũng như tổ chức luôn lên tiếng kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống, từ hạn chế sử dụng đồ nhựa đến tái sử dụng các vật phẩm tái chế. Việc sử dụng tơ tằm trong thời trang cũng là một trong những giải pháp được các nhà thiết kế “chọn mặt gửi vàng”.


Theo Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành đứng thứ hai chỉ sau rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi từ thời trang “nhanh” sang thời trang “xanh” bằng việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên thay vì sản phẩm công nghiệp. Điều này không những đảm bảo an toàn sức khỏe mà còn là bước tiên phong trong việc bảo vệ môi trường.


Thực hiện: Thu Trà

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page