Giới trẻ Hà Nội hiểu gì về thời trang bền vững?
- S.fashion
- Jan 7, 2020
- 3 min read
Updated: Mar 23, 2020
Thời trang bền vững là khái niệm dần phổ biến những năm gần đây, đặc biệt là các nước phương Tây. Vậy ở Việt Nam, khái niệm này liệu đã được nhiều người biết đến và quan tâm?
Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn các bạn sinh viên với các độ tuổi và giới tính khác nhau ở khắp các trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội. Theo kết quả từ cuộc phỏng vấn của chúng tôi về độ hiểu biết của giới trẻ Hà Nội về thời trang bền vững, các câu trả lời phổ biến nhất là “chưa từng nghe qua”, “đã từng nghe về cụm từ nhưng không tìm hiểu về nó”.

Giới trẻ Hà Nội chưa hiểu về khái niệm thời trang bền vững. Ảnh: Internet
Khi được hỏi: “Thế nào là Thời trang bền vững”? Bạn Nguyễn Thị Phương Thúy, sinh viên năm cuối Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Tôi chưa từng nghe đến khái niệm này. Theo cách hiểu của tôi, thời trang bền vững là những món đồ phát triển lâu dài theo thời gian.”

Bạn Nguyễn Thị Phương Thúy chia sẻ quan điểm về thời trang bền vững. Ảnh: S.fashion
Cùng câu hỏi trên, bạn Vũ Đức Thước, sinh viên Đại học Bách khoa cho biết: “Tôi đã từng thấy cụm từ này, nhưng tôi không mấy quan tâm về nó. Theo tôi nghĩ, thời trang bền vững là chủ nghĩa thời trang dù có theo thời gian cũng không bị mai một, nó có thể bị thay đổi nguyên bản, có thể được cách điệu, hay từ cái gốc mà phát triển thành nhiều kiểu dáng khác nhau, tuy nhiên vẫn giữ được cái chất của thời trang gốc và do một cá nhân hay tổ chức duy trì và phát triển. Ví dụ như những chiếc quần jeans: từ quần jeans bó, đến quần jeans ống suông, quần jeans ống loe,…”
Những cách hiểu về “thời trang bền vững” như trên không hoàn toàn sai, tuy nhiên cái căn bản và cốt lõi nhất của thời trang bền vững đó là vấn đề bảo vệ và thân thiện với môi trường thì không được các bạn trẻ đề cập đến.
Không chỉ là những cách hiểu chưa chính xác về thời trang bền vững, bạn Vũ Thị Hường, sinh viên Đại học Hà Nội cho rằng: “Thời trang bền vững là những món đồ hợp “mốt”, được sản xuất theo nhiều quy trình và cho ra những sản phẩm được công chúng săn đón”.
Những quan điểm trên chưa thực sự “chạm đến” bản chất của thời trang bền vững. Orsola De Castro – Đồng sáng lập của Fashion Revolution từng nói: “Phải nhận thức được rằng bền vững không phải là xu hướng, chúng ta xem thời trang bền vững như một xu hướng vì chúng ta chỉ thấy nó như một tình trạng nhất thời. Tuy nhiên, đây là một ý nghĩ hoàn toàn sai lệch, bởi nó cũng là vấn đề về sự sống còn và tồn tại của loài người”.
Trước câu hỏi về sự tiếp cận khái niệm thời trang bền vững, Phương Thúy chia sẻ: “Tôi nghĩ thời trang bền vững là cụm từ nghe khá xa lạ, từ trước đến nay, tôi chưa nghe bao giờ. Các vấn đề về quá trình sản xuất những bộ quần áo làm sao cho thân thiện với môi trường, không nên vứt bỏ quần áo vì có một số chất liệu có thời gian phân hủy rất lâu,… những vấn đề này tôi đã nghe qua và biến đến. Theo tôi, truyền thông Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn về vấn đề này để cụm từ “thời trang bền vững” trở nên phổ biến.”
Thực hiện: Trần Thùy
Comments