“Sản phẩm bền vững là sản phẩm đồng hành cùng người tiêu dùng”
- S.fashion
- Jan 10, 2020
- 8 min read
Updated: Mar 28, 2020
Bằng cách nào có thể tạo công ăn việc làm cho một cộng đồng người dân tộc, vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa bản địa? Đó là nỗi trăn trở của Trang Vi, người sáng lập thương hiệu IndieHand - Thổ Cẩm Ta.

Xin chào Trang Vi, bạn có thể giới thiệu cho độc giả của S.fashion đôi nét về bản thân và công việc bạn đang theo đuổi?
Xin chào, mình là Trang Vi. Hiện tại mình đang theo đuổi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam về thổ cẩm dân tộc của các đồng bào miền núi phía Bắc. Mình là người sáng lập thương hiệu IndieHand, sử dụng chất liệu vải tự nhiên truyền thống và chất liệu thủ công mỹ nghệ để thiết kế những sản phẩm ứng dụng như thời trang, quà tặng, đồ trang trí.
Trang Vi có thể phác họa chân dung đối tượng trọng tâm mà IndieHand đang hướng tới?
Khách hàng trọng tâm của IndieHand là những khách hàng trong nước và nước ngoài, những người yêu thiên nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường - mộc mạc đơn giản nhưng vẫn có nét hiện đại. Khách hàng của chúng mình trải dài trên độ tuổi khá rộng, từ 20-60 miễn là họ quan tâm đến vấn đề về môi trường. Sản phẩm của IndieHand hướng tới tinh thần văn hóa dân tộc truyền thống và chúng mình muốn đưa những nét văn hóa truyền thống vào thiết kế của sản phẩm để khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn với văn hóa bản địa.
Theo bạn, đâu là điểm khiến IndieHand khác biệt với những thương hiệu khác?
Cùng về thủ công mỹ nghệ, Trang tự tin các sản phẩm của IndieHand sử dụng 100% chất liệu tự nhiên được xử lý sơ chế để dệt thành sợi vải. Từ nhuộm màu đến vẽ trang trí họa tiết hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.
Điểm thứ hai, mình thấy các sản phẩm hiện nay về vải thổ cẩm thường được thiết kế theo lối cũ. IndieHand đang cố gắng tạo ra những sản phẩm mang thiết kế hiện đại và gần gũi hơn với người tiêu dùng.
Với phần lớn nguyên vật liệu sản xuất có nguồn gốc tự nhiên, đâu là chất liệu chủ đạo mà IndieHand sử dụng trong những thiết kế của mình?
Hiện tại chúng mình sử dụng chủ yếu là sợi lanh, hay còn gọi là cây gai dầu. Một
chất liệu khác là sợi bông tự nhiên - sợi bông hữu cơ. Với những chất liệu trên, hoàn toàn trong quy trình xử lý sợi và dệt, chúng mình sử dụng phương pháp thủ công, thậm chí không sử dụng điện để bảo vệ môi trường cũng như tài nguyên thiên nhiên. Ngay từ phương pháp canh tác sản xuất nguyên vật liệu cũng là xen canh với rau củ theo mùa. Mong muốn của chúng mình là hình thành một hệ sinh thái từ khâu cung ứng nguyên liệu cho đến đầu ra.
Theo Trang, đâu là sự khác biệt giữa một sản phẩm sử dụng chất liệu tự nhiên và sử dụng chất liệu nhân tạo, đặc biệt là trong trải nghiệm của khách hàng?
Sự khác biệt rất rõ rệt. Ngay cả ở một số thương hiệu công nghiệp, với những sản phẩm sản xuất từ 100% cotton hay 100% linen, người mặc đã cảm thấy rõ vì những chất liệu hoàn toàn tự nhiên ấy khi tiếp xúc với da sẽ không gây kích ứng cho da và hoàn toàn thân thiện, đặc biệt là với làn da nhạy cảm.
Thứ hai là cảm giác về độ thông thoáng của vải. Nếu pha những chất như nilon hay polyester, bề mặt vải sẽ bí và không thấm hút. Mùa hè vải không thoáng mát và bí mồ hôi, mùa đông cảm giác không dễ chịu.

Có thể nói con đường Trang đang đi hoàn toàn không dễ dàng. Vậy đâu là động lực thôi thúc bạn theo đuổi thời trang bền vững sử dụng những chất liệu hoàn toàn tự nhiên được sản xuất theo phương pháp thủ công?
Mình cũng thường tự hỏi bản thân câu hỏi này. Từ khi nảy ra ý tưởng, bắt tay vào làm và hình thành thương hiệu là cả một quá trình. Có lúc mình nản chí bởi theo đuổi lĩnh vực này, đúng như S.fashion nhận định, là một điều hoàn toàn không dễ dàng. Nhưng những giây phút như vậy không nhiều bởi trong mình luôn có những động lực mạnh mẽ:
Thứ nhất, đó là tình yêu đối với đồng bào dân tộc, nét đẹp giản dị và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của họ là điều khiến mình khâm phục và khi thấy nó dần dần bị mai một mình thấy rất đáng tiếc.
Lý do thứ hai, mỗi lần làm việc với bà con, niềm vui mình nhận được là vô giá, và khi mình tìm được đầu ra cho sản phẩm để bà con có thể gia tăng thu nhập, mình cảm thấy như vừa làm được một điều rất ý nghĩa.
Trang Vi chia sẻ về một sản phẩm tiêu biểu của IndieHand với chất liệu tự nhiên. Thực hiện: Linh Trang - Thu Hương
Trở lại câu chuyện về hành trình xây dựng và nuôi dưỡng thương hiệu, Trang có thể chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình phát triển thời trang bền vững và thủ công mỹ nghệ?
Mình là người dân tộc Thái, quê ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Người dân nơi đó vẫn giữ nguyên nếp sống với nhà sàn, đi làm nương, rẫy nhưng những năm gần đây chỉ còn người già và trẻ em ở trong bản, thanh niên, phụ nữ và những người có sức khỏe khi hết mùa vụ sẽ lên thành phố để kiếm thêm thu nhập.
Mỗi khi về mình rất buồn. Ngày xưa quê mình khác lắm, mọi người giữ được nhiều nét truyền thống văn hóa theo lối tự cung tự cấp. Cả bản rất đông vui, trẻ con, thanh niên, người già cùng quây quần nhưng giờ khi mình về đã vắng đi rất nhiều và những hoạt động không còn như xưa nữa. Có thể do kinh tế đổi mới, nhu cầu chi tiêu tăng lên và người dân không thể tự cung tự cấp như trước. Người dân phải lên thành phố để kiếm thêm thu nhập bởi đất không còn khả năng khai thác, không đủ kiếm sống và chi tiêu cho cả gia đình. Người dân phải bỏ xứ mà đi - điều này khiến mình trăn trở rất nhiều và mong muốn tạo công ăn việc làm cho bà con trong bản, giúp họ có thu nhập ổn định cũng như gìn giữ văn hóa bản địa.
Mình trở về nghiên cứu đến nay đã được 2-3 năm. Mình dự định trở về trồng bông hữu cơ. Vừa qua mình đã về vận động thông qua những buổi nói chuyện, họp mặt với tổ phụ nữ. Mình chia sẻ rất nhiều những tâm tư, dự định trong thời gian sắp tới. Mình nhìn thấy niềm tin và hy vọng trong ánh mắt của bà con, hầu như mọi người đều là các bà các mẹ còn ở lại. Mọi người rất tâm huyết và tin vào một tương lai bản làng sẽ trở lại tươi đẹp như xưa.
Từ khi IndieHand cộng tác với bà con dân tộc, cuộc sống của bà con thay đổi như thế nào?
Sự thay đổi ấy không quá rõ rệt nhưng điều khiến mình nhớ nhất đó là sự vui vẻ nồng nhiệt, đón tiếp thân thiện của bà con khi mình lên làm việc. Bên cạnh đó, bà con cũng thay đổi quan điểm, cách nhìn về văn hóa truyền thống của chính họ.
Trước đây, những nét đẹp văn hóa đã trở nên quá đỗi bình thường với người dân địa phương, nhưng khi chúng mình gặp gỡ, nói chuyện và cho bà con xem ảnh của thành phẩm cuối cùng, mọi người đều vui và cảm thấy tự hào, cảm thấy muốn góp công góp sức để tiếp nối công cuộc giữ gìn văn hóa bản sắc địa phương.

Trang có thể chia sẻ định nghĩa của riêng mình về thời trang bền vững? Có thể nói IndieHand là một thương hiệu thời trang bền vững hay không?
Thời gian này, cụm từ “thời trang bền vững” xuất hiện rất nhiều, đấy cũng là một trong những mối quan tâm của mình bởi mình cũng theo đuổi chủ nghĩa thời trang này. Có rất nhiều định nghĩa, nhưng đối với riêng mình, thời trang bền vững là sử dụng những nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường và sản phẩm có độ bền cao, sử dụng được lâu dài. Vì vậy, người tiêu dùng có thể mua ít nhưng chất lượng thay vì mua sắm hàng loạt những sản phẩm giá rẻ không chất lượng. Có thể tóm lại, đối với mình, một sản phẩm thời trang bền vững là sản phẩm đồng hành cùng người tiêu dùng.
Khó khăn lớn nhất mà Trang phải đối mặt trong quá trình theo đuổi và phát triển thời trang bền vững?
Thứ nhất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam tuy đa dạng nhưng non trẻ. Thứ hai, đối tượng khách ưa dùng hàng thủ công mỹ nghệ Việt làm từ chất liệu tự nhiên chưa nhiều nên đầu ra của sản phẩm rất khó khăn.
Trong quá trình sản xuất, những yếu tố vì kỹ thuật cũng khó khăn vì đây là chất liệu tự nhiên nên sợi vải thường thô, khổ vải nhỏ, màu nhuộm tự nhiên thường hay phai. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cao nên giá bán cũng trên mức trung bình so với những sản phẩm thời trang đại trà được sản xuất hàng loạt, có thể từ 200-300.000 VND đến 3-4.000.000 VND.
Trang có thể chia sẻ cho độc giả của S.fashion về định hướng sắp tới của IndieHand?
Mình đang cố gắng tiếp cận đối tượng người Việt trẻ. Trang rất mong muốn người Việt trở nên gần gũi và ưa chuộng những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc của mình. Bên cạnh những sản phẩm thiết kế, mình dự định phát triển chuỗi workshop đặc biệt về nghiên cứu và phát triển các chất liệu tự nhiên để thành phẩm chất lượng hơn. Song song, mình cũng tập trung nghiên cứu công nghệ để giảm sức người, từ đó giảm giá thành vải nhưng chất lượng lại tăng lên.
Với tư cách là một người hoạt động trong lĩnh vực thời trang, đặc biệt là thời trang bền vững. Trang có nhận định như thế nào về thị trường thời trang bền vững Việt Nam ở hiện tại và trong thời gian sắp tới?
Mình cảm thấy có một sự thay đổi lớn đang đến. Mọi người bắt đầu có ý thức nhiều hơn về tự nhiên, môi trường. Trên thế giới, thời trang bền vững rất phổ biến và ngày càng lớn mạnh, người tiêu dùng dần quay về với lối tiêu dùng bền vững.
Hiện tại, ở Việt Nam, những bạn trẻ thuộc thế hệ mình đang dần tiếp cận với chủ nghĩa thời trang này và thay đổi hành vi tiêu dùng của chính mình.
Vẫn còn đó những hạn chế, nhưng mình tin rằng trong tương lai khái niệm này và những sản phẩm thời trang bền vững sẽ được đón nhận nhiều hơn.
Chân thành cảm ơn Trang vì cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị, chúc cho Trang và IndieHand gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Thực hiện: Linh Trang - Hoài Linh - Thu Hương
Comments