top of page

Miên Trần: Thay vì tái chế, giảm mua là bước đầu của thời trang bền vững

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 12, 2020
  • 9 min read

Updated: Mar 28, 2020

Hô biến rác thải thời trang, quần áo cũ thành những trang phục lộng lẫy ngoài sức tưởng tượng. Lý do khiến cô nàng 9x quyết định theo đuôi một con đường hoàn toàn mới tại Việt Nam.



Xin chào, bạn có thể giới thiệu với S.fashion về bản thân và công việc hiện tại?


Mình tên là Trần Thảo Miên, học và làm trong ngành thời trang từ 2010. Trước đây mình làm việc cho một số hãng thời trang cao cấp và sản xuất số lượng nhiều (mass market), nhưng thấy thời trang quá ô nhiễm, mình chuyển sang tái chế sử dụng rác thải thời trang như quần áo cũ, các loại chỉ, vải thừa mà trong quá trình sản xuất bị vứt đi. Mình làm quần áo cho bản thân, bạn bè chứ không để bán.


Sản phẩm của Thảo Miên tiếp cận với mọi người qua những kênh nào?


Mình có một fanpage là Miên Trần's Textile, trên đó mình đăng tải sản phẩm và đưa ra gợi ý để mọi người có thể tái chế quần áo hoặc chia sẻ những kiến thức mình thu thập được về sự ô nhiễm của ngành thời trang.


Mình cũng làm workshop kết hợp với Six Space, Heritage Space và tham gia triển lãm Pure Gold "Vàng mười" về tái chế. Trong những workshop, mình dạy các bạn cách thêu đơn giản, chỉ cần biết dùng kim là có thể thêu được với hy vọng mọi người sẽ dành thời gian tự tái chế, sửa lại quần áo tại nhà. Đối với mình, việc sửa quần áo ấy như 10 phút thiền hàng ngày.


Định hướng ban đầu của Miên khi chọn thời trang làm lĩnh vực hoạt động là gì?


Thực ra, ngày xưa khi ở Việt Nam mình rất thích nghệ thuật. Năm 2009, việc tiếp xúc với Internet còn chưa phổ biến, đối với mình nghệ sỹ, chủ yếu là hình ảnh một họa sỹ ngồi ở góc nhà chỉ vẽ sẽ có cuộc sống rất khó khăn. Khi ấy, mình đi tìm một ngành gần với nghệ thuật nhưng vẫn có khả năng kiếm ra tiền.


Trong những lĩnh vực mình biết, thời trang có vẻ là một ngành bớt khó khăn hơn họa sỹ. Khi đi học, chuyên ngành của mình là thiết kế bề mặt vải, không phải thiết kế thời trang. Khi học như vậy, mình nghĩ ngoài thời trang mình có thể làm nhiều thứ khác miễn là liên quan đến chất liệu và một chút đến nghệ thuật. Sau này, từ các buổi phỏng vấn và giáo viên hướng dẫn, mình đến gần hơn với thời trang.


Điều gì đã thôi thúc Miên từ bỏ lĩnh vực thời trang sôi động đầy hứa hẹn để có một lối rẽ riêng biệt và chắc chắn là nhiều khó khăn hơn?


Thời gian học ở Anh giúp mình nhận ra ngành thời trang quá khắc nghiệt. Trước Tuần lễ Thời trang, có những ngày chúng mình làm việc 20 tiếng/ngày. Tất cả bạn bè xung quanh mình đều dùng chất kích thích để có thể duy trì cường độ làm việc như thế. Nếu mình tiếp tục theo con đường ấy, năm 40 tuổi mình sẽ không làm gì được nữa, nên mình quyết định về Việt Nam. Khi về Việt Nam, mình đi tìm một người làm về thiết kế vải, nhưng ở Việt Nam mọi người đều mua vải từ Trung Quốc. Khái niệm "thiết kế vải" đến giờ vẫn còn mới, nhà thiết kế thường sẽ tự in hoặc thuê thợ thêu chứ họ không cần một người thiết kế vải chuyên nghiệp.


Sau thời gian làm việc cho một hãng, mình hy vọng có thể đưa nhận thức của số đông về thời trang lên, để mọi người có nhu cầu mặc không chỉ vừa người, bền, đẹp mà còn quan tâm đến những khía cạnh khác của thời trang, nhưng càng làm mình càng nhận ra, quá trình từ bản thiết kế đến sản phẩm bị thay đổi rất nhiều, sự thay đổi đó phụ thuộc vào nguyên liệu này rẻ hay đắt, đặt được số lượng nhiều hay ít.


Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng thiết kế ban đầu, sản phẩm đi ra thường không giống, thậm chí khác đến 80%. Rất nhiều sản phẩm không bán được mà không thể đổ lỗi cho ai, họ chỉ hủy đi hoặc bán rẻ. Trong quá trình đấy, từ từ mình đi đến các nhà máy nhiều hơn.


Trong một ngày, một xưởng có 150kg chỉ cần đốt. Nếu không đốt họ sẽ không có phí lưu trữ kho. Mình đã xin 150kg chỉ đó về. Ban đầu, mình không hình dung được khối lượng của 150kg chỉ và khi đến nơi, mình đã phải thuê xe tải chở về. 12 bao tải dứa to. Đó có thể là số chỉ mà họ đã đốt đi ngày hôm ấy.


Đó là trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc, thực sự nhất của mình về rác thải thời trang và cũng là lý do tại sao mình từ bỏ ngành thời trang.


Thảo Miên chia sẻ về hành trình của cô với thời trang bền vững. Thực hiện: Linh Trang - Thu Hương


Miên có thể chia sẻ về những ngày đầu khi bạn quyết định từ bỏ ngành thời trang để theo đuổi con đường riêng?


Điểm xuất phát của mình là từ những ngày ở bên Anh. Khi ấy, vải để làm sản phẩm cho bài tốt nghiệp hay bài cuối năm rất đắt, mình đã thu thập chỉ các bạn vứt đi trong quá trình làm sản phẩm in và thêu.


Ban đầu, mình chỉ đơn giản muốn tiết kiệm chi phí, trong quá trình làm ở các công ty thời trang, khi mọi người vứt đi, mình giữ lại miễn có thể dùng được. Đến một thời điểm mình cảm thấy kể cả có tái chế cũng tốn rất nhiều công sức và nhiên liệu. Hơn nữa ở Việt Nam, để thu được rác thải có chất lượng cũng rất khó khăn.


Đỉnh điểm của mình là khi cảm thấy "thôi, tôi sẽ không làm bất cứ sản phẩm nào nữa". Khi ở Việt Nam mình cũng tiết kiệm được tương đối, lúc ấy mình đi du lịch các nước để thử xem nếu mình chỉ có 7 kg hành lý, 8 bộ quần áo thì mình sẽ sống thoải mái trong vòng bao lâu? Thời gian đầu mình đi 100 ngày, cảm thấy rất thoải mái. Mình tiếp tục quá trình ấy trong vòng 3 năm, mình cứ đi 3 tháng rồi quay về Việt Nam 3 tháng. Số tiền mình kiếm được rất ít, nhưng mình đi cũng rất tiết kiệm.


Sau thời gian 3 năm mình nhận ra "nếu tôi chỉ đi và không tiêu dùng, những thứ tôi trải nghiệm rất khó để chia sẻ cho người khác". Năm 2019, mình quay về và bắt đầu tham gia vào những triển lãm, workshop tái chế để chia sẻ với mọi người.




Thời gian đầu khi Miên quyết định đi theo con đường tái chế, Miên đã tham khảo kiến thức và kỹ thuật ở đâu?


Thời gian học đại học mình đã bắt đầu thử nghiệm, bản thân mình cũng có một kỹ thuật thêu đặc biệt. Bình thường, khi thêu hoặc nhắc đến thêu, mọi người sẽ nghĩ đến một kỹ thuật cao và cần luyện tập. Trong quá trình tìm hiểu, mình nhận thấy sợi cước - sợi trong suốt không màu là phù hợp nhất bởi khi sử dụng sợi cước để thêu, mình không cần kỹ thuật, chỉ cần sáng tạo thôi. Tất cả những lỗi, đường khâu không đều với chỉ khâu trong suốt, mọi người không thể nhận ra được. Mình đơn giản rải sợi chỉ lên và dùng cước giữ chúng trên quần áo.


Trong cuộc sống hiện đại, mọi người vứt bỏ quá dễ dàng nên mình muốn có những sản phẩm tái chế. Mỗi một vết ố có câu chuyện riêng và mình cứ tiếp nối câu chuyện đấy. Quần áo không chỉ để mặc cho đẹp, mà có cả một câu chuyện đằng sau. Như thế, mình sẽ không còn nhu cầu vứt nó đi, bởi nó như một cuốn nhật ký.


Nếu đồ tái chế nhìn là biết đồ tái chế thì mọi người sẽ không muốn mặc. Mọi người cần một thứ từ “rác” nhưng không giống “rác”. Đấy là cái mình muốn làm.


Sau khi Miên quyết định trở về và lan tỏa, Miên đã tạo nên những thay đổi nào trong cộng đồng xung quanh?


Khi mình hướng dẫn thực hành tái chế, với những người chưa từng làm qua, phản ứng đầu tiên của họ sẽ là "khó quá, tôi không có thời gian làm việc đấy".


Chính vì “cái khó” này, trong thời gian làm thời trang mình mới nghĩ đến việc không làm, không tạo ra sản phẩm mới nữa. Trong thời gian 3 năm du lịch, mình cũng không mua quần áo. Bản thân việc không mua quần áo chính là việc giúp tiết kiệm nhiều nhất cho những chuyến đi của mình và chỉ cần không mua quần áo, mọi người có thể có rất nhiều chuyến đi.


Khi mình chia sẻ điều đấy, một số người vẫn có lý do để mua quần áo, nhưng một số cũng có thêm lý do để không mua quần áo nữa.


Trong các workshop Miên tham dự, Miên có chia sẻ về những kỹ thuật tái chế và đảm bảo những kỹ thuật đó sẽ mang lại kết quả khả quan?


Nhân tố lớn nhất để khiến rác thải không giống rác chính là thời gian chúng ta dành cho nó. Trong quá trình làm workshop, chỉ có rất ít những bạn tiếp tục làm điều ấy, còn đa phần mọi người sẽ bận rộn và không thể làm được. Mình sẽ chia sẻ những câu chuyện khi mình không mua quần áo, hoặc về rác thải mà các công ty thời trang thải ra trong quá trình sản xuất những quần áo đó. Khiến các bạn giảm mua quần áo là bước đầu tiên của việc sống bền vững thay vì tái chế.




Miên có thể chia sẻ với độc giả của S.fashion về những khó khăn Miên đã trải qua hay đang đối mặt, đâu là khó khăn lớn nhất?


Trước đây, mình thấy việc tìm một nguồn rác thải chất lượng để biến nó thành một thứ còn chất lượng hơn là khó khăn nhất. Từ năm 2013 mình về Việt Nam cho đến bây giờ, mình thấy chất lượng đồ may mặc cũng như rác thải thời trang đều đã tốt hơn.


Bây giờ, trở ngại lớn nhất với mình là tâm lý của mọi người. Vẻ bề ngoài rất quan trọng, nhưng cũng rất rẻ. Mọi người rất dễ để có một vẻ bề ngoài ổn. Sẽ có những thứ khiến quần áo đắt lên như chất liệu, điều mình không nhìn thấy được. Với Instagram, Facebook, mọi người rất chú trọng đến hình ảnh của mình và không muốn quần áo mình mặc lên hình lặp đi lặp lại và vì thế, nhu cầu mua càng ngày càng lớn.


Vì tốc độ "lên hình" ngày càng nhiều, thời gian dành để sửa quần áo ngày càng ít đi. Có quá nhiều lý do để mua một bộ quần áo mới.


Hiện tại, xu hướng bền vững đang trở thành một chiến lược marketing. Trước đây có rất nhiều xu hướng về thời trang và xu hướng bây giờ là bền vững. Mọi người sẵn sàng mua những bộ đồ có mác "bền vững". Từ "bền vững" hay "hữu cơ" làm mọi người thấy không còn tội lỗi khi mua một bộ quần áo mới nữa và mình mua những bộ này vẫn là bảo vệ môi trường, là tiêu thụ thời trang bền vững.


Đối với Miên, thế nào là định nghĩa của thời trang bền vững thật sự?


Thời trang bền vững thật sự là mua vừa đủ. Thế nào là mua vừa đủ? Điều này phụ thuộc vào sự tự tin của mọi người. Bền vững là mua ít nhất có thể.


Miên có thể chia sẻ về dự định sắp tới trên hành trình lan tỏa thời trang bền vững?


Vì không muốn sản xuất sản phẩm mới, mình tập trung làm các triển lãm để gửi những thông điệp một cách cụ thể hơn đến với số đông.


Sắp tới mình sẽ tham gia "Tắt đèn - Bật ý tưởng", bọn mình sẽ làm một sản phẩm từ toàn bộ rác thải thời trang thu thập được và quần áo mọi người quyên góp. Sau khi thực hiện tác phẩm, bọn mình sẽ tái chế lại tác phẩm đó.


Về đường dài, mình ấp ủ mở một boutique nhỏ để sửa chữa quần áo, không phải để quần áo quay lại hiện trạng ban đầu, mà sửa chữa để thêm câu chuyện của mọi người vào trong sản phẩm hoặc biến nó thành một sản phẩm khác, nhưng vẫn có ích.


Cảm ơn Miên Trần đã có cuộc trao đổi rất thú vị với S.fashion! Chúc con đường phía trước sẽ có thật nhiều thuận lợi. S.fashion mong rằng sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến việc Miên đang làm và nhân rộng nó.


Thực hiện: Linh Trang - Hoài Linh - Thu Hương

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page