top of page

Hoa Tiến Brocade: “Chỉ mong gìn giữ làng nghề thổ cẩm dân tộc”

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 1, 2020
  • 6 min read

Updated: Mar 25, 2020

Nằm ở huyện Kỳ Châu, tỉnh Nghệ An, làng Hoa Tiến được ví như cái nôi của nghề dệt thổ cẩm với những kỹ thuật được truyền đời hơn 100 năm. Thế nhưng, làng nghề ấy đã từng đứng trước nguy cơ mai một bởi dòng chảy của xã hội hiện đại. Không để thời gian xóa đi truyền thống, chị Sầm Thị Tình quyết định sáng lập Hoa Tien Brocade với mong muốn khôi phục, lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.



Xin chào chị Tình, đầu tiên chị có thể giới thiệu về bản thân cũng như thương hiệu của chị với độc giả của S.fashion?


Tôi là Sầm Thị Tình, người dân tộc Thái sinh ra và lớn lên ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Kỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Hợp tác xã Hoa Tiến chuyên về nghề dệt thổ cẩm được thành lập từ năm 2010, tôi bắt đầu tham gia phát triển năm 2015. Sau đó, tôi sáng lập thương hiệu Hoa Tiến Brocade. Sản phẩm chính của chúng tôi là thổ cẩm nhuộm tự nhiên của đồng bào dân tộc Thái về thời trang phụ kiện như khăn, túi, ví,...Đây là những sản phẩm mới, trước đây chúng tôi chỉ bán những sản phẩm truyền thống như cái váy, cái áo của người Thái.


Theo chị, đâu là sự khác biệt của sản phẩm Hoa Tiến Brocade so với sản phẩm thời trang đại trà hiện nay?


Sự khác biệt đầu tiên là về màu sắc. Màu sắc tự nhiên mang tông màu trầm, đối tượng nào cũng có thể sử dụng. Thứ hai phải kể đến nguyên liệu nhuộm, chúng tôi thường tìm kiếm và sử dụng cây, củ, quả, rễ, lá. Như vậy, sau khi sử dụng và thải ra môi trường, người dân và sinh vật sống xung quanh không phải chịu tổn hại do hóa chất gây ra.


Với tất cả những đặc trưng về kỹ thuật và màu sắc như vậy, Hoa Tiến Brocade đang tập trung hướng tới đối tượng khách hàng nào?


Hoa Tiến tập trung vào khách hàng là nhà thiết kế thời trang để ứng dụng thiết kế vào sản phẩm. Các nhà thiết kế sử dụng hoa văn, họa tiết của người dân tộc Thái trên trang phục của nữ giới và nam giới, cũng có thể sử dụng những hoa văn, họa tiết trên trang phục của chính các nhà thiết kế.


Chị có thể bật mí cho độc giả của S.fashion về điều thôi thúc chị phát triển theo định hướng này?

Tôi phát triển các sản phẩm này là vì muốn bảo tồn, phát triển văn hóa quê hương để giữ gìn cho thế hệ sau. Các sản phẩm không chỉ bán ra trước mắt mà còn được lưu truyền để thế hệ trẻ sau này có thể hiểu văn hóa của người Thái có những gì và mang ý nghĩa ra sao. Một chân váy có họa tiết mặt trăng và mặt trời lồng vào nhau cũng ẩn chứa một huyền thoại về tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất và xử lý sản phẩm, tôi cũng tận dụng các phương pháp cổ truyền nhằm xây dựng một quy trình sản xuất bền vững, tự nhiên, thân thiện với môi trường.


Đối với chị, thời trang bền vững là gì?


Với tôi, thời trang bền vững là thời trang được bảo tồn và phát huy về lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Hoa Tiến đang đi theo xu hướng sử dụng các nguyên liệu thời trang bền vững. Chúng tôi cũng mong muốn những nhà thiết kế sử dụng các sản phẩm thời trang bền vững từ bàn tay của những bà con dân tộc thiểu số để nghề thổ cẩm của mỗi vùng dân tộc được gìn giữ và phát huy.




Như đã chia sẻ, Hoa Tiến Brocade đang đi theo xu hướng của thời trang bền vững, vậy chị kiểm soát quy trình bền vững này như thế nào?


Với các nguyên liệu từ sợi tơ, chúng tôi tự trồng dâu nuôi tằm, tự kéo sợi và tự dệt. Sản phẩm với tông màu của người Thái tượng trưng cho 7 sắc cầu vồng. Nguyên liệu nhuộm thì ở quanh nhà, trong vườn, chúng tôi có thể tự trồng những loại như củ nâu mọc tự nhiên, lá nếp cẩm, cây hoàng đằng, lá chè, lá ổi,...để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sắp tới Hoa Tiến dự định nhân rộng quy mô trồng vùng nguyên liệu.


Việc sản xuất theo hướng bền vững với quy mô hợp tác xã có ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương và môi trường tự nhiên, thưa chị?


Về môi trường, khi Hoa Tiến sử dụng những màu tự nhiên thì bản thân chất thải không gây ảnh hưởng nhiều. Mình có thể sử dụng chính nước nhuộm để tưới cây mà không lãng phí bởi đây là nước nhuộm từ các loại cây, củ, quả, rễ, lá tự nhiên.


Về đời sống người dân địa phương, chúng tôi đã và đang phần nào tạo thêm thu nhập ổn định cho bà con. Trước đây, nghề dệt truyền thống đã mai một rất nhiều, đến năm 1989, hợp tác xã huy động bà con bảo tồn và lưu giữ nghề dệt. Từ năm 2010 cho đến nay, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu cho hơn 50 hộ chị em phụ nữ. Đó là một nguồn thu để cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ bên cạnh công việc đồng áng. Từ khi thành lập hợp tác xã, bà con cũng yêu cái nghề này hơn, hứng thú với công việc dệt và có những sáng tạo, đổi mới hơn so với trước đây.


Chị Tình và những trăn trở gửi gắm vào thương hiệu Hoa Tiến Brocade. Thực hiện: Linh Trang - Thu Hương


Trên hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, đâu là khó khăn lớn nhất chị đã và đang phải đối mặt?


Khó khăn thứ nhất là về đầu ra của sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi hiện nay vẫn tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Ở nước ngoài, Hoa Tiến chỉ xuất theo tiểu ngạch mà chưa xuất khẩu lớn nên chúng tôi cũng muốn các sản phẩm của mình được giới thiệu đến bạn bè quốc tế nhiều hơn.


Khó khăn thứ hai là nhân lực. Khi có một đơn hàng lớn thì nguồn nhân lực không đáp ứng được số lượng của khách hàng. Bây giờ, các bạn trẻ không ở lại địa phương để dệt vải hay thêu hoa văn truyền thống nữa. Học xong, các bạn thường tìm công việc khác như công nhân ở các công ty để có thu nhập nhanh hơn, nhiều hơn. Nghề dệt truyền thống này không phải là nguồn thu nhập chính nên các bạn trẻ không mặn mà, đây cũng là nỗi lo cho tương lai sau này của hợp tác xã.


Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi cũng may mắn khi có những cá nhân, đơn vị đứng ra hỗ trợ. Tôi đã gặp các đại diện từ Hội đồng Anh, từ Ủy ban Dân tộc, họ mở ra cho tôi nhiều định hướng mới. Nhờ đó, tôi có thể đưa sản phẩm của mình đi xa.




Chị có thể chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ khi xây dựng và phát triển Hoa Tiến Brocade?


Tôi vẫn nhớ một lần đi triển lãm ở Cần Thơ năm 2016, Cần Thơ là vùng không nặng tính văn hóa dân tộc nhiều như ngoài Bắc. Hôm ấy, khách hàng ra xem và hỏi, tôi cũng giới thiệu đây là đồ thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An. Họ cười nói “cái đồ thổ cẩm này thì về quê bán thôi, mang vào đây không bán được đâu”. Câu nói ấy làm tôi thấy hơi chạnh lòng và tự hỏi tại sao thổ cẩm lại không được người ta yêu thích, tôn trọng và bị mặc định là đồ dành cho “dân tộc”. Vậy mà chính tại mảnh đất Cần Thơ tôi lại tìm được một khách hàng trung thành và sản phẩm Hoa Tiến có mặt tại Cần Thơ hiện nay cũng đều ở những cửa hàng lớn.


Chị có thể bật mí về những dự định của mình cho thương hiệu trong tương lai?


Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng thị trường, không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn, mà mở rộng vào Quảng Nam rồi Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Đấy là thị trường trong nước, còn ở nước ngoài sẽ mở rộng ở Thái Lan, Lào, Đức, Pháp, Mỹ, Canada. Tôi cũng xác định đối tượng khách hàng chủ yếu vẫn là các nhà thiết kế vì họ quan tâm đến những sản phẩm từ thổ cẩm và một số nhà thiết kế nội thất. Sản phẩm không chỉ bán ra trước mắt mà còn được lưu truyền cho nhiều thế hệ.


Trong tương lai, tôi cũng mong được làm việc với nhiều nhà thiết kế thời trang hơn nữa để kết hợp với họ trong việc truyền thông, quảng bá thương hiệu Hoa Tiến. Trước mắt, chúng tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ một khu đất để nhân rộng diện tích của vùng trồng nguyên liệu, đảm bảo quy trình sản xuất bền vững khép kín.


Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị Tình và xin chúc Hoa Tiến Brocade sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong tương lai!


Thực hiện: Linh Trang - Hoài Linh - Thu Hương

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page