Giới trẻ Hà Nội “không có gì để mặc”?
- S.fashion
- Jan 8, 2020
- 3 min read
“Không có gì để mặc” là câu nói phổ biến mà chúng ta dễ dàng nghe được khi hẹn nhau đi chơi, đi dự tiệc,… mặc dù tủ đồ đã chật cứng. Quần áo nhiều đến mức không còn nơi cất nhưng lại không có gì ưng ý để mặc, vậy nguyên nhân do đâu?
Để tìm hiểu điều này, S.fashion đã tiến hành phỏng vấn những bạn sinh viên ở nhiều độ tuổi và giới tính thuộc các trường đại học, cao đẳng tại TP. Hà Nội. Qua các cuộc phỏng vấn, đa số các câu trả lời mà chúng tôi nhận được là “quần áo không còn “mốt”, “quần áo không còn vừa” và “quần áo đã bị hỏng”.
Kết quả cho thấy, số lượng quần áo không dùng đến của nữ giới nhiều hơn nam giới. Nữ giới có xu hướng mua sắm nhiều khi có nguồn thu tài chính, khi có “sale”, và nhiều bạn “nhịn đói để mua sắm”. Bởi mua sắm theo “cảm hứng” nên không ít bạn nữ cảm thấy “ khi ở shop thì thấy đẹp, nhưng về đến nhà lại không thấy đẹp nữa”, vậy là những bộ quần áo ấy mãi “yên vị” nơi đáy tủ đồ.
Khi được hỏi “Quan niệm thế nào là quần áo đã cũ?”, bạn Vũ Thị Hường, sinh viên năm cuối Đại học Hà Nội cho biết: “Với tôi, quần áo cũ là những món đồ lâu ngày tôi không dùng đến. Đó là những bộ quần áo không còn vừa, lỗi mốt và hư hỏng”.

Bạn Vũ Thị Hường chia sẻ quan niệm về quần áo cũ. Ảnh: S.fashion
“Với những bộ đồ không còn vừa vặn, tôi giặt sạch và mang đến các tủ đồ từ thiện cho những người nghèo. Với những món đồ hư, hỏng, tôi dùng làm giẻ lau sàn, lau chân,…” Hường chia sẻ thêm.
Ông Alex McIntosh, người sáng lập công ty tư vấn thời trang bền vững Create Sustain cho biết: “Sắp xếp và phân loại tủ đồ sẽ giúp bạn nhận ra có rất nhiều món đồ bị bỏ quên, thấy lại những món đồ mà bạn từng yêu thích. Bạn có thể làm mới chúng bằng cách kết hợp với phụ kiện, hoặc có thể truy cập youtube để làm phối hợp những trang phục đã cũ theo một cách hoàn toàn mới”.
Về quan điểm của ông Alex McIntosh, bạn Đậu Thị Diêu, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Với những người không giỏi may vá như tôi, việc truy cập youtube để học cắt may và làm mới quần áo rất khó, hơn nữa mất nhiều thời gian nhưng không không chắc cho ra một sản phẩm ưng ý”.
Các nhà thiết kế thời trang khuyên dùng các sản phẩm từ thương hiệu bền vững bởi quá trình sản xuất ít gây hại đến môi trường, ngoài ra nó chúng chất liệu rất bền và lâu hỏng.
Chia sẻ về quan điểm mua sắm, bạn Nguyễn Thị Tố Uyên (22 tuổi, Hà Nội) : “Với đối tượng là sinh viên như chúng tôi, chưa có thu nhập ổn định, việc mua những sản phẩm từ thương hiệu bền vững sẽ gây ra chút khó khăn về kinh tế. Cá nhân tôi vẫn cố gắng mua cho mình một số món đồ chất lượng, có thể mặc lâu dài như một chiếc áo đại hàn, chiếc quần jeans hay giày thể thao”.
Thực hiện: Trần Thùy
Comments