Thời trang bền vững: Không chỉ là một xu hướng
- S.fashion
- Dec 20, 2019
- 3 min read
Updated: Mar 23, 2020
Hãy cùng tìm hiểu tại sao ngành công nghiệp thời trang được ví như một lớp vỏ ngoài rực rỡ, lộng lẫy nhưng không hề thân thiện với môi trường? Thời trang bền vững có phải chỉ là một xu hướng?
Khái niệm Thời trang bền vững (Sustainable Fashion) đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người, tuy nhiên ở Việt Nam khái niệm này chưa thực sự phổ biến.
Thời trang bền vững là gì?
“Chúng ta cần làm thời trang một cách thông minh hơn. Đây là vấn đề về sự sống còn và tồn tại của loài người” - De Castro (Fashion Revolution)
Thuật ngữ “tính bền vững”, dùng để chỉ bất kỳ hệ thống nào được thiết kế để tồn tại ở trạng thái cân bằng. Việc phát minh ra các công cụ và tiến bộ công nghệ khiến con người có thể tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên đến mức cân bằng sinh thái bị xáo trộn. Vì con người là một phần của tự nhiên, và vẫn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào khả năng đạt được sự bền vững về môi trường.
Thời trang bền vững (Sustainable Fashion) có thể được định nghĩa là một hệ thống trong đó việc cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang được thiết kế theo cách đảm bảo sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.

Thời trang bền vững – khái niệm không mới nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến. Ảnh: Fashionbeans
Có một số thuật ngữ đang được sử dụng bởi các thương hiệu, học giả để giải thích các khái niệm khác nhau thuộc trường khái niệm thời trang bền vững, như: thời trang sinh thái, thời trang đạo đức, thời trang hữu cơ, thời trang xanh, thời trang thuần chay,…
Thời trang bền vững, vì sao quan trọng?
Thời trang – ngành công nghiệp sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang liên quan - phát thải ra môi trường các chất độc hại và tác động rất lớn đến môi trường.
Một chiếc áo phông cotton tiêu tốn khoảng 2.700 lít nước và 17-20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may. Trong một bài báo của Huffington Post, phải mất gần 151 gram phân bón tổng hợp để trồng 453 gram bông thô - tất cả chỉ để sản xuất một chiếc áo phông. Khi dùng bông để làm quần áo, nhiều chất liệu nguy hiểm được sử dụng để tạo ra sản phẩm như kim loại nặng, chất chống cháy, amoniac, phthalates và formaldehyde,…Những hóa chất độc hại này xâm nhập vào các loại vải chúng ta sử dụng mỗi ngày, đe dọa không chỉ sự tồn vong của môi trường mà của cả con người.

Ngành công nghiệp thời trang không thể đứng ngoài câu chuyện bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Thời trang bền vững - không chỉ là một xu hướng
Đối với nhiều người, Thời trang bền vững chỉ là một xu hướng nhất thời như một phong cách thời trang. Nhưng ngày nay, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời trang đang viết một câu chuyện dài về thời trang bền vững như một giải pháp, một lối đi cho ngành thời trang tương lai.
Thời trang bền vững ra đời như lời cam kết “lột xác” cho ngành thời trang, biến nó thành một ngành công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường. Nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang đang bắt đầu thay đổi cách làm của mình, đồng thời truyền cảm hứng cho hướng đi này.
Bà De Castro - Đồng sáng lập của Fashion Revolution - cho rằng chúng ta xem “thời trang bền vững” như một xu hướng vì chúng ta chỉ nhận thấy nó như một tình trạng nhất thời. “Chúng ta cần làm thời trang một cách thông minh hơn. Đây là vấn đề về sự sống còn và tồn tại của loài người”.

Thời trang bền vững không dừng lại ở việc tuyên truyền, mà bắt đầu từ mỗi cá nhân, biến nó trở thành một lối sống. Ảnh: WTVOX
Tại Việt Nam, xu hướng thời trang bền vững đang dần trở nên phổ biến, tuy mới dừng lại ở quy mô nhỏ, còn manh mún. Đối với một đất nước xuất khẩu may mặc, thời trang bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hiện tại và tương lai. Từ đó, với mỗi cá nhân, việc mua sắm quần áo không đơn thuần là mua sắm, mà dần tiến đến một nét văn minh trong lối sống, ngay từ khâu chọn sản phẩm, chọn chất liệu, và cách thức sử dụng.
Thực hiện: Phương Thảo
Commenti