Ngành công nghiệp thời trang có đang thực sự phát triển “bền vững”?
- S.fashion
- Dec 19, 2019
- 4 min read
Updated: Mar 23, 2020
Đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, các thương hiệu trong ngành công nghiệp thời trang đang hướng đến "bền vững" như một giải pháp mới.
Việc “thời trang bền vững” trở thành một trong những chủ điểm thảo luận chính tại Hội nghị thượng đỉnh CEO ngành bán lẻ trang phục toàn cầu năm ngoái tại New York, cho thấy vấn đề này đang ngày càng nhận được sự quan tâm từ các thương hiệu thời trang. Sự kiện kéo dài hai ngày trên quy tụ khoảng 300 giám đốc điều hành hàng đầu, bao gồm CEO của các thương hiệu bình dân như Macy, Kohl, và Neiman Marcus, cũng như các thương hiệu cao cấp như Paul Smith hay Ermenegasy Zegna.

“Tính bền vững” đang trở thành một xu hướng mới trong làng thời trang hiện tại
Trong số các “ông lớn” hiện tại trên thị trường thời trang nói chung và thời trang bền vững nói riêng, thương hiệu Eileen Fisher là một trong những gương mặt nổi bật, được chứng nhận B-Corp từ năm 2015 (B-Corp là thuật ngữ được sử dụng cho các tổ chức vì lợi nhuận, được kiểm định bởi tổ chức phi lợi nhuận B-Lab, rằng tổ chức tham gia đã tự nguyện đáp ứng các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu suất sản xuất). Năm ngoái, công ty này đã mở nhà máy riêng đầu tiên tại Irvington, New York, để sang sửa và tái chế các quần áo cũ, bị hư hỏng từ phía khách hàng.
“Năm năm trước, khách hàng chỉ quan tâm đến mẫu mã sản phẩm” - Eileen Fisher
Nhà thiết kế của Eileen Fisher cho biết: “Năm năm trước, khách hàng chỉ quan tâm đến mẫu mã sản phẩm”, “Bây giờ, họ quan tâm đến việc liệu hành động mua hàng có tác động đến môi trường hay ảnh hưởng đến trái đất hay không? Do đó, chúng tôi nhận thấy cần thay đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng thời trang bền vững. Chúng tôi đồng thời đang suy nghĩ về những cách khác để tạo ra lợi nhuận mà không cần phải đầu tư xây dựng lại mọi thứ từ đầu”.

Eileen Fisher đã nhận được chứng nhận B-Corp từ năm 2015 nhờ vào những nỗ lực trong việc theo đuổi “thời trang bền vững”
Bên cạnh Eileen Fisher, Madewell cũng là một tên tuổi “có trọng lượng” trong ngành. Chủ tịch thương hiệu, bà Libby Wadle phát biểu: “Phần lớn khách hàng của chúng tôi có xu hướng trung thành và gắn bó lâu dài với thương hiệu. Họ là những người cực kì quan tâm đến tính bền vững trong các sản phẩm may mặc của mình”. Vì vậy, không ngạc nhiên khi số liệu từ báo cáo tài chính của công ty công bố 10% doanh số quần jeans của Madewell đến từ chương trình tái chế denim (chất liệu làm ra các sản phẩm jeans,..) của hãng. “Khách hàng mang tới những sản phẩm denim đã qua sử dụng, sau đó nhân viên sẽ thu gom lại, chuyển về xưởng và tiến hành quá trình tái chế nó thành các sản phẩm mới”, bà chia sẻ.
Theo Báo cáo Ngành Công nghiệp Thời trang do Chương trình nghị sự Thời trang toàn cầu và Tập đoàn tư vấn Boston công bố vào năm nay, 52% giám đốc điều hành trong ngành cho biết: “Các mục tiêu bền vững đóng vai trò là nguyên tắc chỉ đạo cho gần như mọi quyết định chiến lược mà họ đưa ra”, tăng tới 18% so với số liệu năm trước. Báo cáo cũng chỉ ra, tính bền vững cũng đồng thời tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu.

Những con số “biết nói” về chương trình tái chế denim của Madewell
Tuy nhiên, trái với biểu hiện “sốt sắng” và những tuyên ngôn hùng hồn nói trên từ các lãnh đạo trong ngành, những dữ liệu nghiên cứu được McKinsey công bố trong tháng 11 vừa qua khiến phần lớn người theo dõi ngỡ ngàng.
Chỉ 1% sản phẩm mới được giới thiệu trong nửa đầu năm nay được gắn thẻ “bền vững” - một con số hết sức khiêm tốn, dù rằng số lượng các mặt hàng “thời trang bền vững” đã tăng lên gấp năm lần trong suốt hai năm qua.
“Có vẻ như các công ty may mặc vẫn còn một chặng đường dài cần phải đi để đáp ứng được nhu cầu về sự bền vững trong ngành thời trang” là nhận định của các nhà nghiên cứu. Nghiên cứu của McKinsey cũng cho thấy ngành công nghiệp thời trang đang thiếu “một bộ tiêu chuẩn chung”.

Để “thời trang bền vững” thực sự phổ biến tới mọi người, các nhãn hàng cần giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng
Ngoài ra, vấn đề chung còn tồn tại dai dẳng của các công ty thời trang là sản xuất quá mức và không nắm bắt được xu hướng cũng như sản phẩm mà người tiêu dùng thực sự muốn, dẫn đến thực trạng nhiều chồng hàng tồn phải kết thúc vòng đời tại bãi rác.
“Cần phải giải quyết vấn đề tồn kho, trước khi nghĩ đến việc phát triển bền vững” - John Thorbeck
“Cần phải giải quyết vấn đề tồn kho, trước khi nghĩ đến việc phát triển bền vững” - John Thorbeck, Chủ tịch công ty tư vấn Chainge Capital, đồng thời là một nguyên giám đốc trong ngành thời trang cho biết, ngành công nghiệp này có “số lượng rất lớn những sản phẩm kém hiệu quả. Việc chuyển trọng tâm từ hàng tồn kho sang phát triển bền vững mà không tìm ra giải pháp thực sự cho cả hai sẽ chỉ dẫn đến sự giả tạo”, ông nhấn mạnh.
Thực hiện: Thùy Linh
Comments