top of page

“Chuyện thời trang thời nay”: Hòa nhập hay hòa tan

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 7, 2020
  • 5 min read

Updated: Mar 23, 2020

“Chuyện thời trang thời nay” là tọa đàm cho những trăn trở của sự giao thoa giữa thời trang bền vững, nét đẹp văn hóa và những vấn đề mang tính thời đại.


Vừa qua, dưới sự hỗ trợ của quỹ sáng kiến thuộc "Mạng lưới tiên phong Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường - iSEE và Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng CECEM đã tổ chức tọa đàm “Chuyện thời trang thời nay” về giá trị văn hóa và những vấn đề xã hội xung quanh tấm áo truyền thống của dân tộc Mông.


Các diễn giả trong buổi tọa đàm (từ trái qua phải): anh Sùng Sa Bình, anh Khang A Tủa, chị Vũ Thị Phương Thảo, cô Lý Thị Ninh. Ảnh: S.fashion


Buổi tọa đàm có sự tham gia của Nghệ nhân người Mông Lý Thị Ninh đến từ Mù Cang Chải, anh Sùng Sa Bình - người sáng lập thương hiệu thời trang Hmong Tagkis, chị Vũ Thị Phương Thảo - Nhà thiết kế và sáng lập của thương hiệu thời trang bền vững Kilomet109, và Khang A Tủa - một trong 54 sinh viên đồng kiến tạo của Đại học Fulbright Việt Nam. 


Xu hướng chọn lựa chất liệu thời trang ngày nay


Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều tổ chức và hãng thời trang có xu hướng sử dụng chất liệu xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường. Chất liệu được các nhà thiết kế ưa chuộng nhất là sản phẩm thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông.


Sử dụng sợi sinh thái và phương pháp truyền thống trước nguy cơ mai một, nhà thiết kế Vũ Thảo đã làm việc với cộng đồng nghệ nhân trong nước và cộng đồng dân tộc thiểu số, bằng việc trồng cây lấy sợi, dệt vải thủ công, tạo thuốc nhuộm tự nhiên để thiết kế ra các sản phẩm thời trang đương đại. Điều này không chỉ đề cao nghệ thuật dệt, nhuộm cổ truyền, mà còn cung cấp nguồn thu nhập đáng kể cho phụ nữ dân tộc và nghệ nhân, khuyến khích họ bảo vệ và duy trì truyền thống.


Trang phục truyền thống của người Mông. Ảnh: S.fashion


Khi được hỏi lý do đằng sau việc lựa chọn các chất liệu thời trang thổ cẩm, chị Thảo cho biết có rất nhiều yếu tố để đưa ra một lựa chọn hợp lý. 


Đầu tiên là bản sắc dân tộc, giữa thời kỳ hội nhập như hiện nay, bản sắc giúp chúng ta không bị nhầm lẫn. Hơn nữa, những câu chuyện và chất liệu có liên quan đến văn hóa hỗ trợ rất nhiều trong việc kể câu chuyện của thương hiệu. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò bảo tồn văn hóa phi vật thể. “Thay vì cố gắng để giống với thế giới thì chúng ta nên cố gắng để khác với thế giới.” chị Thảo nhấn mạnh.


Là một người thuộc cộng đồng dân tộc Mông, anh Sùng Sa Bình xuất phát từ cái tâm mong muốn sản phẩm thổ cẩm của mình được nhiều người biết đến. Anh chủ động kết nối những chị em người Mông tại Thành phố Hồ Chí Minh, giỏi nghề dệt và thêu hoa văn truyền thống để tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của người Mông.


Nhận thức đúng đắn về tính nguyên bản


10 năm trở lại đây, xu hướng của thời trang thế giới là phong cách của dân tộc thiểu sổ, bộ lạc, đặc biệt là các thương hiệu thời trang cao cấp, trong đó có Louis Vuitton, Gucci,...Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu đều “xóa nhòa” nguồn gốc các ý tưởng của họ. 


Thực trạng này đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp về sở hữu văn hóa và ý tưởng ở Ấn Độ, Mexico và cả Việt Nam. Mới đây, thông tin về một người đàn ông Đan Mạch mặc một bộ đồ thổ cẩm họa tiết người Mông, nhưng lại gọi tên một bộ lạc ở Thái Lan đã gây ra nhiều phẫn nộ trong cộng đồng dân tộc người Mông trong và ngoài nước.


Bày tỏ quan điểm về sự việc này, chị Thảo chia sẻ: “Rất nhiều thương hiệu hiện nay gần như chỉ cắt và dán, không có sự thay đổi, không trích dẫn, tôi cho rằng đó là một sự “lưu manh về văn hóa”. Đây là một vấn đề trầm kha trong ngành thiết kế, ăn cắp ý tưởng thiết kế và không dẫn nguồn.”


Đại diện cho cộng đồng người Mông, anh Bình cho rằng: “Người Mông có lịch sử lâu dài, là một tộc người đông đảo có văn hóa, chữ viết riêng và đa dạng. Vì vậy, sử dụng thổ cẩm của người Mông mà không nhắc tới người Mông sẽ khiến cộng đồng người Mông phẫn nộ.”


Việc sao chép về chất liệu xảy ra cả trong cộng đồng nghệ nhân và cộng đồng thiết kế. Hiệu ứng tích cực là lan tỏa nét đẹp của cộng đồng văn hóa hoặc của thiết kế đó. Khía cạnh tiêu cực là tính sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Ý tưởng có thể sao chép, nhưng câu chuyện đằng sau sản phẩm đó không thể bị làm khác đi.


“Định giá” sản phẩm bằng câu chuyện


Để bán sản phẩm truyền thống ra thị trường, tính nguyên bản, tỉ mỉ là vô cùng quan trọng. Hầu hết các trang phục của người Mông đều được làm thuần bằng tay, các khâu được trau chuốt kĩ lưỡng và tình yêu của người thợ thấm vào từng đường kim mũi chỉ.


Các hoa tiết thổ cẩm trên trang phục của người Mông được thực hiện tỉ mỉ và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Ảnh: S.fashion


Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho các sản phẩm truyền thống là giá thành cao hơn các sản phẩm khác trên thị trường, chưa thực sự đáp ứng được thị hiếu đám đông. Bên cạnh đó, còn tồn tại sự hoài nghi liệu các sản phẩm với giá thành rẻ và trung bình có thật sự là hàng thủ công?


Người tiêu dùng “lơ mơ” về giá trị của các sản phẩm thủ công là bởi những người thiết kế không kể chuyện. Khi có người kể, sẽ có người quan tâm.


Vì vậy, việc định giá là vô cùng quan trọng. Định giá giúp con người biết mình đang ở đâu, việc định giá các sản phẩm thủ công cũng vậy. Theo quan điểm của nhà thiết kế Vũ Thảo: “Để định giá sản phẩm thì phải giáo dục người tiêu dùng, với các kỹ thuật truyền thống sẵn có, chúng ta phải tìm cách kể chính câu chuyện sẵn có.”


Các chi tiết đặc biệt trong trang phục của người Mông không thể trộn lẫn. Ảnh: S.fashion


Ví dụ, vẽ sáp ong có nhiều công đoạn như nung sáp, chấm bút vẽ họa tiết, nhuộm chàm,...đây đều là những quy trình có thể giúp các nhà thiết kế kể câu chuyện sẵn có và định giá sản phẩm. Ngoài ra, câu chuyện đó không nhất thiết quy về quá trình sản xuất, nó có thể về chính người nghệ nhân.


Khi mọi người hiểu được giá trị sản phẩm, văn hóa, vùng miền và con người của sản phẩm đó thì việc định giá sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các sản phẩm chất lượng chắc chắn sẽ tìm được đúng chỗ đứng, không bị “hòa tan” với các sản phẩm khác. Quan trọng nhất, văn hóa của dân tộc, thông qua việc định giá, sẽ dần có một vị thế nhất định.


Thực hiện: Thương Thương

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page