top of page

5 quan niệm sai lầm về thời trang bền vững

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 1, 2020
  • 5 min read

Updated: Mar 23, 2020

“Tính bền vững" đã và đang trở thành một trong những thuật ngữ quen thuộc, thống trị các tuần lễ thời trang. Tuy nhiên, khái niệm “thời trang bền vững” vẫn chưa thật phổ biến, dẫn đến một số đánh giá sai lệch về chủ nghĩa thời trang này.


Theo bài viết mới nhất của tạp chí Alternatives Journal, “Ngành công nghiệp thời trang đang gặp phải những rủi ro thế nào sau vụ sập toà nhà tám tầng Rana Plaza ở Savar, gần thủ đô Bangladesh”, ngành công nghiệp thời trang được cho là có mức sử dụng và ô nhiễm nước ngọt cao nhất. Phải mất khoảng 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo phông cotton và 17-20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may.


Ngoài những con số đáng kinh ngạc trên, không khó để bắt gặp những tin bài khác về vấn đề ô nhiễm từ ngành công nghiệp thời trang, dư luận hiện tại đang sục sôi và quan tâm hành động nhằm cải thiện thực trạng này. Để đạt kết quả tối ưu, giúp mẹ thiên nhiên bớt phải cất lên những tiếng nấc nghẹn ngào, đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ về thời trang bền vững bằng cách tìm hiểu cụ thể định nghĩa cũng như đính chính các thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn.


Dưới đây là 5 quan niệm sai lầm phổ biến nhất về thời trang bền vững:


1. Những sản phẩm thời trang “bền vững” thường đắt đỏ


Hầu hết người tiêu dùng đã quen với việc mua hàng “đột xuất”; cụ thể, họ mua hàng một cách ngẫu hứng, dễ bị tác động bởi ngoại cảnh và không xuất phát từ nhu cầu thực sự. Nếu được giảm giá, người tiêu dùng thường không ngần ngại chi tiêu. Lúc này, giá cả dường như không còn là vấn đề quá lớn khi nói đến chất lượng.


Giá thành có sự chênh lệch bởi mức độ đầu tư sản xuất, tuy nhiên sự chênh lệch hoàn toàn hợp lý và giúp giảm thiếu rất nhiều sự ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet


Khác với “thời trang nhanh” (fast-fashion), xu hướng thời trang bền vững cần sự đầu tư nhiều hơn và cầu kỳ trong các công đoạn xử lý sản phẩm, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm với môi trường. Do đó, so sánh giá tiền trung bình của mỗi sản phẩm, những món đồ gắn mác “bền vững” sẽ có giá “nhỉnh” hơn. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch là không quá lớn.


Ngoài ra, người tiêu dùng còn có một lựa chọn tuyệt vời khác: mua đồ vintage cổ điển, đồ cũ hoặc đồ ký gửi còn tốt. Đây cũng là một trong những lựa chọn được giới mộ điệu ủng hộ để phổ biến rộng rãi xu hướng thời trang bền vững và giảm thiểu sự lãng phí trong thời trang.


2. Thời trang “xanh” thì kém “hợp thời”:


Với mức độ “phủ sóng” của thời trang thân thiện với môi trường, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn. Ảnh: Internet


Đây là một quan niệm sai lầm và có phần “lạc hậu” bởi hiện nay, thời trang bền vững đang được coi là một “xu hướng” mới trong làng mốt. Những trang tạp chí thời trang uy tín hàng đầu thế giới như ELLE hay VOGUE đều đặn đăng tải các thông tin về “tính bền vững” trong thời trang; đồng thời, các thương hiệu thời trang bền vững đang có mặt trên thị trường cung cấp sản phẩm phù hợp cho mọi đối tượng, từ thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Cùng với đó là sự đa dạng ở mọi phong cách như: tối giản, sang trọng hoặc cổ điển sẽ chiều lòng cả những vị khách khó tính nhất.


3. Hành động nhỏ lẻ sẽ chẳng thể tác động đến cả ngành công nghiệp lớn


Thực tế đã chứng minh: “tích tiểu thành đại”. Hiện tại, vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Với sự quan tâm của người tiêu dùng, các thương hiệu đều đang rục rịch chuyển mình, thay đổi để đáp ứng yêu cầu “sống xanh, mặc xanh” của các “thượng đế”.


“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ảnh: Internet


Đây là cả một quá trình bền bỉ và lâu dài, trong đó, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đồng thời là một phần quan trọng của sự phát triển tích cực đối với ngành thời trang. Như chia sẻ của NTK Nicole Peyraud với tờ Yogi Times: “Việc ủng hộ nhiệt tình lựa chọn mang tính bền vững là cách người tiêu dùng chủ động mang đến sự thay đổi thân thiện với môi trường. Điều này thể hiện sức mạnh mang tính đóng góp của từng cá nhân”.


4. Không có nhiều thương hiệu thời trang bền vững


Chúng ta sống trong một thế giới bão hòa với phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ được cải tiến không ngừng. Cách đơn giản nhất là “làm bạn” với thanh công cụ tìm kiếm Google và sử dụng cụm từ đơn giản như “thương hiệu thời trang bền vững” khi có nhu cầu tìm hiểu, kết quả sẽ liệt kê danh sách các bài viết, blog về thương hiệu trong và ngoài nước.


Không khó để tìm ra thương hiệu thời trang “bền vững” yêu thích với sự trợ giúp của công nghệ như hiện nay. Ảnh: Internet


Những trang web như Refinery29, The Good Trade, Marie Claire đều có những bài viết cập nhật về xu hướng này cùng các bí quyết thời trang bền vững. Ngoài ra, Eco Fashion World cũng là một trang web phổ biến về phong trào bền vững khi cung cấp rất nhiều mẹo để áp dụng vào đời sống thực tiễn.


5. Chỉ số ô nhiễm do ngành công nghiệp thời trang gây ra không thực sự khủng khiếp như các câu chữ trên mặt báo


Trên thực tế, thời trang ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, từ không khí, nước cho tới thức ăn. Quần áo ta mặc thậm chí có thể từng “đắm mình” trong các hóa chất, do đó, thuốc nhuộm dễ dàng thấm vào da của con người.



Các con số không hề “nói quá”. Ảnh: Internet


Phân tích về quá trình tạo ra một món đồ may mặc cũng không quá phức tạp. Vải được tạo ra từ sợi, được trồng trên đất. Đất lại bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc trừ sâu và thực phẩm biến đổi gen của con người để sản xuất nhanh và hiệu quả hơn. Những loại thuốc này sau đó bị thải vào các hồ, sông và được hấp thụ vào đất. Nguồn nước từ sông, hồ được chúng ta, động vật hoang dã và thực vật hấp thụ. Cuối cùng, con người sẽ ăn và uống các sản phẩm ô nhiễm.


Song song, con người không chỉ tiêu thụ các chất độc hại tiềm ẩn mà còn tiêu thụ chúng bên ngoài. Theo tờ Huffington Post, phải mất gần 151 gram phân bón tổng hợp để trồng 453 gram bông thô, với số lượng bông thô này chỉ làm được một chiếc áo phông. Khi dùng bông để làm quần áo, nhiều vật liệu nguy hiểm được sử dụng như kim loại nặng, chất chống cháy, amoniac, phthalates và formaldehyde… Những hóa chất độc hại này xâm nhập vào các loại vải chúng ta sử dụng mỗi ngày.


Thực hiện: Thùy Linh

Comentários


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page