top of page

5 chất liệu xanh “thống lĩnh” ngành dệt may

  • Writer: S.fashion
    S.fashion
  • Jan 6, 2020
  • 3 min read

Khi lựa chọn những sản phẩm thời trang từ chất liệu tự nhiên, phần lớn người tiêu dùng Việt chỉ biết đến vải lanh, lụa, tơ tằm. Rất ít người biết rằng còn nhiều chất liệu tự nhiên khác cũng có thể sử dụng trong may mặc.

Dưới đây là 5 chất liệu được các tổ chức uy tín khắp thế giới gán nhãn “eco-friendly” và có thể tìm thấy trên khắp Việt Nam:


Lanh (linen)


Sợi lanh có 70% thành phần cấu tạo là cellulose, không gây dị ứng và có khả năng hút ẩm tốt, tạo cảm giác thông thoáng. Do đó, lanh rất thích hợp để sử dụng làm chất liệu may các sản phẩm dùng vào mùa hè. Thêm vào đó, vải lanh càng giặt càng trở nên mềm mại, đồng thời không bị biến màu.


Về tính ứng dụng, vải lanh thường được dùng làm khăn trải bàn, vải trang trí, drap bọc giường, khăn làm bếp, khăn tay, vải may quần áo comple, áo sơ mi…

Vải lanh hiện đang là loại chất liệu được giới trẻ ưa chuộng nhất nhờ vào tính ứng dụng cao trong việc sáng tạo thiết kế mới. Ảnh: S.fashion


Xơ gai dầu (marijuana)


Cây gai dầu là một loại thảo mộc tự nhiên, dễ phát triển và có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, các chế phẩm từ cây gai dầu được đánh giá là thân thiện với môi trường và “bền vững”. Trong khi bông vải, loại chất liệu được sử dụng phổ biến trong ngành dệt may cần rất nhiều nước và sử dụng tới 25% tổng lượng thuốc trừ sâu toàn cầu thì gai dầu chỉ cần một nửa lượng nước tưới và hoàn toàn không cần dùng bất kì loại thuốc trừ sâu nào.

Xơ gai dầu được tìm thấy phổ biến nhất trong các sản phẩm jeans. Ảnh: S.fashion


Ngoài ra, sợi xơ gai dầu còn có các đặc tính như: bền, chống tia UV, chống nấm mốc và hút ẩm tốt. Do đó, nó thường được sử dụng để may các sản phẩm áo comple, quần jeans, giày,...


Gai (Ramie)

Cây gai cũng là một trong những loại cây có thể tự phát triển mà không cần thuốc trừ sâu. Ảnh: S.fashion


Tương tự với cây gai dầu, cây gai cũng là giống cây dễ trồng, dễ phát triển, có tính ứng dụng cao và không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Với những đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm mốc, không ngại ánh sáng, dễ nhuộm, giữ màu tốt, chịu nhiệt cao,... sợi gai hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành dệt may nói chung.


Bên cạnh đó, các thành phần khác của cây gai như lá gai cũng có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến nhiều chế phẩm khác như bánh gai,...


Tencel

Tencel là loại vải sinh học phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: S.fashion


Vải Tencel, hay còn có tên gọi khác là Lyocell, là loại vải sinh học được chiết xuất từ những cây gỗ thiên nhiên có hàm lượng cenllulo thuộc họ nhà tre như bạch đàn và phổ biến nhất trong số đó là cây khuynh diệp. Để sản xuất loại vải này, vỏ gỗ của các cây trên được sơ chế và nghiền thành bột, sau đó kéo thành sợi bằng công nghệ Nano tạo sự an toàn và thân thiện tuyệt đối cho sức khỏe của người sử dụng.


Cotton hữu cơ


Cotton hữu cơ được sản xuất từ cây bông, một trong những cây trồng cổ nhất trên thế giới. Bông được trồng đầu tiên ở châu Mỹ từ 5000 năm trước Công nguyên, không lâu sau du nhập tới Ấn Độ và các quốc gia khác.

Cotton hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chí “xanh” và thân thiện với môi trường. Ảnh: S.fashion


Khác với cotton thường, cotton hữu cơ được sản xuất từ sợi bông hữu cơ. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa cây bông thường và cây bông hữu cơ là cây bông hữu cơ phải được trồng trên đất không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu từ 3 năm trở lên. Sau đó, bông vải sẽ được thu hoạch từ những cây bông hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và hạt giống không được biến đổi gen.


Do vải cotton hữu cơ không qua xử lý tẩy trắng nên luôn có màu tự nhiên của cây bông, khi sờ vào có cảm giác mềm xốp. Bên cạnh đó, vải cotton hữu cơ không gây kích ứng da, vì thế nó luôn là chất liệu được ưu tiên hàng đầu để sản xuất đồ may mặc cho trẻ em.


Thực hiện: Thùy Linh

Comments


© 2023 by Closet Confidential.

bottom of page